Đăng Ký 188BET - Cá cược thể thao trực tuyến và sòng bạc trực tiếp

Tham nhũng là một căn bệnh gây cản trở sự phát triển của xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc phòng ngừa, đấu tranh chống các biểu hiện tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng là cơ sở lý luận có giá trị to lớn đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

phong chong tham nhung

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng

Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham nhũng và tác hại của tham nhũng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề tham nhũng và coi đây là một trong những căn bệnh cần phòng, chống. Theo Người: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân… Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”(1). Do đó, bản chất của tham nhũng là xấu, là “trộm cướp”, lấy “của công” làm “của tư”; gian lận tham lam, không quý trọng của công, không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào, xương máu của chiến sĩ làm ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng biểu hiện trực tiếp của tham nhũng là ăn cắp của công hay của Nhân dân làm của tư. Cán bộ bớt xén, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của công, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình cũng là tham nhũng. Mặt khác, tham nhũng cũng gắn với các biểu hiện tiêu cực, chẳng hạn như một cán bộ được Chính phủ và Nhân dân trả lương hàng tháng nhưng lại thiếu trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của Nhân dân, không làm tròn nhiệm vụ theo chức trách của mình: “Có người nói: không giữ quỹ, không giữ tiền, không có quyền thì là không tham ô. Cái nắm tiền, cái có quyền mà ăn cắp là trực tiếp. Còn gián tiếp như trên, sự thực cũng là tham ô”(2). Người cũng sớm nhận diện và căn dặn cán bộ, đảng viên cần phòng, chống những biểu hiện tiêu cực như: địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa,… Đó chính là những biểu hiện tiêu cực làm suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tha hóa đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả, cần phải tiêu diệt. Theo Người, tham nhũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng.

Một là, tham nhũng phá hoại đạo đức cách mạng, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ. Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền lực trong tay thì nảy sinh tính kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng. Người nhắc nhở: “Cán bộ nào mà tham ô, hủ hóa là có tội to với Đảng và Chính phủ, có tội to với nhân dân và có tội to cả với anh chị em cán bộ khác”(3).

Hai là, tham nhũng phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của Nhân dân một cách vô ích, có hại đến công việc cải thiện đời sống Nhân dân. Huấn thị tại Hội nghị cán bộ Đảng (năm 1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc tệ nhất là tham ô. Tham ô tức là gián tiếp giết chết đồng bào bị đói và bị nạn”(4). Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.

Ba là, tham nhũng là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc ta; là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức để làm hỏng công cuộc kháng chiến, kiến quốc, gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cản trở, phá hoại sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta.

Tầm quan trọng của việc phòng, chống tham nhũng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng, chống tham nhũng cũng cần thiết như việc đánh giặc trên mặt trận, đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ. Những kẻ tham nhũng bị xếp ngang hàng với những kẻ phản quốc, là kẻ thù của Nhân dân cần phải chống. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc tất yếu phải làm giống như muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa, chăm sóc kỹ lúa vẫn xấu vì bị cỏ át đi. Người khẳng định việc phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết và phải làm thường xuyên bởi điều đó mang lại những ý nghĩa rất to lớn.

Thứ nhất, phòng, chống tham nhũng giúp cán bộ cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng.

Thứ hai, giúp Nhân dân đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Thứ ba, loại bỏ những trở lực của cách mạng, giúp chính quyền nhà nước trở thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào.

Thứ tư, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và một số giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao công tác phòng, chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (năm1994) của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài; là một nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”(5).

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm nhiều hơn. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý để đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa để phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức 03 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành hơn 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng, tiêu cực (tăng 02 lần so nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định; các bộ ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực(6).

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Trong 10 năm (từ 2012 - 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý kỷ trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm(7).

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 02 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII); đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(8).

Nổi bật là các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, vi phạm có tổ chức, gây bức xúc trong xã hội được các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra như: vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) liên quan đến chuyến bay giải cứu; vụ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm,…

Việc thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thu hồi được hơn 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so cả nhiệm kỳ Đại hội XII)(9). Các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường quan hệ phối hợp, nhất là các đơn vị chuyên trách thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, tiến hành nhiều cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà Nhân dân bức xúc, dư luận quan tâm đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có chuyển biến rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Thể chế về quản lý kinh tế - xã hội góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn bất cập; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh; việc kiểm soát tài sản, thu nhập chưa chặt chẽ, hiệu quả. Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.

Đảng ta đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên là: một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp; tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo tinh thần Nghị định số 73/2023/NĐ-CP mới triển khai bước đầu...; công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt,…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”(10).

Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo ra sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước kết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đúng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị. Kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Coi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và kịp thời khắc phục những bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để vu khống, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; từ đó hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để tiến tới “không thể” tham nhũng.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra Đảng với hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước; tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để “không dám”, “không muốn” tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng. Sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thu nhập và chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức “không cần” tham nhũng. Mặt khác, cần kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức rõ những biểu hiện, tác hại của tham nhũng, tiêu cực; vạch rõ nguyên nhân và chỉ ra biện pháp để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng xã hội mới. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định chủ trương, đường lối, xây dựng hệ thống chính sách về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường lãnh đạo, quản lý, kiên quyết, kiên trì đấu tranh tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ mới nhằm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa./.

------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập,  tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.355-356.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST,H.201, tr.6.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.210.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.439.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập 2, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.206.

(6), truy cập ngày 16/8/2023.

(7) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NxbCTQG-ST, H.2023, tr.27.

(8), truy cập ngày 16/8/2023

(9), truy cập ngày 16/8/2023.

(10) , truy cập ngày 16/8/2023.

ThS Nguyễn Thị Liên, Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo tcnn.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: