Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 18/02/1957, Trường Sĩ quan Pháo binh được thành lập. Nhiệm vụ chủ yếu của Nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy tham mưu pháo binh cho các đơn vị Pháo binh trong toàn quân. Từ ngày thành lập đến nay, Trường Sĩ quan Pháo binh đã đào tạo hơn 4 vạn cán bộ pháo binh và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật quân sự pháo binh. Hiện nay, Nhà trường là trung tâm giáo dục - đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội pháo binh trình độ đại học và nghiên cứu khoa học quân sự pháo binh, khoa học xã hội và nhân văn quân sự; cung cấp nguồn nhân lực pháo binh chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng pháo binh toàn quân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối tượng đào tạo chính của Nhà trường là sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội bao gồm bậc đại học, cao đẳng và văn bằng 2.
Phát huy truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” của Bộ đội Pháo binh và truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dạy tốt, học tốt, công tác tốt”, trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, Trường Sĩ quan Pháo binh đã tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng toàn diện về giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Binh chủng, Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn nhận thức rằng “chân đồng vai sắt” là khẳng định bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; “đánh giỏi, bắn trúng” là khẳng định trình độ, năng lực, kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật tác chiến,… của bộ đội Pháo binh, đây là những yếu tố tạo nên phẩm chất “vừa hồng, vừa chuyên” của người cán bộ pháo binh. Từ đó, Nhà trường xác định: Tập trung đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu pháo binh cấp phân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, trách nhiệm cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu; có năng lực toàn diện, tư duy sáng tạo; phương pháp tác phong làm việc khoa học, dân chủ, đổi mới; có sức khỏe và độ tuổi phù hợp; có khả năng làm việc trong môi trường hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 86, Nhà trường đã đào tạo được 4.112 sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội; kết quả học viên tốt nghiệp ra trường: 100% đạt yêu cầu trở lên, có 79,8 % Khá, Giỏi ; trong đó,Giỏi 5,1%; có trên 60% hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi ra trường.
Để có được kết quả đó Trường Sĩ quan Pháo binh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:
Một là, Nhà trường đã thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị các cấp về giáo dục, đào tạo.
Tập trung vào Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW Quân ủy Trung ương, ngày 20/12/2022. Trên cơ sở Nghị quyết 86, Đảng ủy Nhà trường đã ban hành Nghị quyết số 1022-NQ/ĐU ngày 11/9/2007 về lãnh đạo công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, trong đó tập trung đề ra các giải pháp, khâu đột phá nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học và các giải pháp khắc phục hiệu quả khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại. Đồng thời, Nhà trường đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giảng viên và đơn vị quản lý học viên đối với việc thực hiện mục tiêu đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội
Hai là, tập trung đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo; đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên.
Hằng năm, Nhà trường có từ 18 đến 20 đối tượng đào tạo với lưu lượng từ 850 đến 900 học viên. Để nâng cao chất lượng, Nhà trường đã triển khai đồng bộ các biện pháp để đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong thời gian qua, Nhà trường đã tham mưu điều chỉnh quy trình, thời gian đào tạo cho các đối tượng.
Quán triệt và chấp hành nghiêm túc phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, công tác xây dựng chương trình, nội dung đào tạoluôn được chú trọng đáp ứng đầu ra đảm bảo khi học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về pháp luật, phương pháp huấn luyện, tác phong công tác, có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng cho học viên. Đã tập trung đổi mới chương trình huấn luyện theo hướng tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện với cường độ cao, nhất là các nội dung chuyên ngành pháo binh như: Chiến thuật pháo binh; Bắn pháo; Binh khí - Thao tác; Trinh sát, đo đạc, khí tài, địa hình pháo binh; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, tập bài chiến thuật đảm bảo sát thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và vũ khí, khí tài, trang bị trong biên chế (tổ chức diễn tập chiến thuật bắn nhiều loại pháo, linh hoạt trong chuẩn bị đầu bài diễn tập,..); đổi mới trong tổ chức thực tập, thi tốt nghiệp quốc gia, cuối khóa cho các khóa học viên. Công tác tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn luôn được triển khai có nền nếp, Nhà trường đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai công tác biên soạn tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, lịch sử, nghệ thuật quân sự phục vụ giảng dạy.
Tích cực triển khai Quyết định số 889/QĐ-BQP ngày 22/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch hành động của các Nhà trường Quân đội trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo; việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong giảng dạy đã được chú trọng. Hoạt động phương pháp của các khoa, bộ môn được duy trì có nền nếp, hiệu quả; chất lượng bài giảng được nâng lên, phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, phương pháp dạy học tích cực được các giảng viên thường xuyên áp dụng nhằm phát huy tính chủ động, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và kỹ năng thực hành cho học viên.
Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu quan trọng được Nhà trường thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Nhà trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trung tâm điều hành, kiểm tra giáo dục, đào tạo. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, phương pháp thi, kiểm tra. Đã chỉ đạo các khoa xây dựng ngân hàng đề thi cho từng môn học và thường xuyên bổ sung, điều chỉnh cho từng năm học; áp dụng nhiều hình thức thi, kiểm tra phù hợp như: tự luận, vấn đáp, thực hành, trắc nghiệm, viết tiểu luận môn học. Chủ động đề nghị và mời Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cán bộ là lãnh đạo, chỉ huy các lữ đoàn và cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh Pháo binh về giảng dạy một số chuyên đề và tham gia vào hội đồng kiểm tra, đánh giá trong thi tốt nghiệp của các khóa học viên. Bên cạnh đó, Nhà trường quyết tâm khắc phục bệnh thành tích, thực hiện nghiêm túc các khâu coi thi, chấm thi, phúc tra kết quả. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về ý thức tự giác học tập, rèn luyện của học viên và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Ba là, thường xuyênkiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Nhà trường luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túcNghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết 390-NQ/ĐU ngày 25/6/2019 của Đảng ủy Binh chủng Pháo binh “Lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong Binh chủng Pháo binh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”,…; trên cơ sở đó Nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp về đổi mới công tác quản lý, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ trọng tâm là đội ngũ nhà giáo cả về phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn. Chủ động tạo nguồn đào tạo giáo viên quân sự tại Nhà trường với nguồn đào tạo cấp trung đoàn và lựa chọn cán bộ, giảng viên có chất lượng tốt đi đào tạo sau đại học. Kết hợp chặt chẽ đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội với bồi dưỡng tại chức ở các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt phương châm: cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, yếu nội dung gì thì bồi dưỡng nội dung đó, nhất là về trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, bảo đảm sự cân đối giữa các bộ môn, sự kế tiếp giữa các độ tuổi. Coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, chuyên gia đầu ngành giỏi, nâng cao tỷ lệ sau đại học; thực hiện tốt việc cử cán bộ, giáo viên đi dự nhiệm giữ chức thực tế; từng bước có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và tạo điều kiện cho giáo viên học, thi để có các chứng chỉ bắt buộc về ngoại ngữ, tin học. Đến nay đội ngũ nhà giáo của Nhà trường không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng, với 100% có trình độ đại học, trên 52% sau đại học, hơn 4% có học vị tiến sĩ, hơn 50% giảng viên đã qua các chức vụ từ tiểu đoàn và tương đương trở lên. Cán bộ, giảng viên Nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch lành mạnh, ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị, có trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; có trình độ chuyên môn, khả năng và phương pháp sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt cũng như lâu dài.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nhà trường đã chủ động kiện toàn đội ngũ cán bộ đầu ngành làm công tác nghiên cứu khoa học; đổi mới trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, công tác bảo đảm vật tư, kinh phí trong nghiên cứu; phát huy vai trò của hội đồng khoa học các cấp trong thẩm định, đánh giá, xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học. Các cơ quan, đơn vị, nhất là đội ngũ giảng viên đã triển khai thực hiện số lượng lớn đề tài, chuyên đề, sáng kiến từ cấp cơ sở đến cấp Ngành; chất lượng ngày càng được nâng cao và đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy, học, quản lý giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, mô phỏng nguyên lý, cấu tạo, hoạt động các trang thiết bị, khí tài quân sự pháo binh; sáng kiến cải tiến mô hình học cụ; đổi mới phương pháp tổ chức tự học, quản lý, rèn luyện học viên. Công tác biên soạn mới, sửa chữa nâng cấp và hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học trong Nhà trường được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Tiến hành thẩm định, nghiệm thu kết quả, in ấn và đưa vào sử dụng các loại giáo trình, tài liệu đúng quy trình, đảm bảo chất lượng tốt. Từ năm 2007 đến nay, đã thực hiện 30 đề tài, 04 sáng kiến cấp ngành, cấp bộ và Binh chủng; biên soạn 357 giáo trình, tài liệu; 12 giáo trình điện tử dùng cho dạy học.
Năm là, vềcơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập, giáo trình, tài liệu và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
Nhà trường đã từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ. Tích cực, chủ động đảm bảo vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là đề nghị trên xây dựng công trình nhà ở cho học viên đào tạo dài hạn, nhà làm việc cho giảng viên; đầu tư xây dựng, nâng cấp 80 phòng học chuyên ngành, chuyên dùng, 09 phòng học phổ thông, 01 phòng thí nghiệm. Hệ thống thao trường, bãi tập được đầu tư xây dựng mới theo yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng, đã xây dựng 27 công trình thao trường, bãi tập. Đẩy mạnh ứng dụng các đề tài, chuyên đề, sáng kiến phục vụ giáo dục, đào tạo; tích cực bổ sung giáo trình, tài liệu, số hóa tài liệu đáp ứng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong Nhà trường.Chủ động bảo đảm đầy đủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trong giáo dục, đào tạo; tích cực sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, đồng bộ vũ khí, trang bị cho nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên và các đợt diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật của các khóa học viên; đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Những năm tới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, đặt ra những yêu cầu cao hơn; Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang tác động mạnh mẽ, tạo ra sự biến đổi to lớn, toàn diện trong xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế, khoa học và quân sự, quốc phòng. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo; sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng Pháo binh - Tên lửa toàn quân. Binh chủng Pháo binh đang tập trung xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, phù hợp với phương án tác chiến”, đến năm 2030 xây dựng Binh chủng Pháo binh hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Tình hình đó đặt ra cho Trường Sĩ quan Pháo binh những yêu cầu mới, ngày càng cao, nhằm đáp ứng nguồn cán bộ có chất lượng cao, phẩm chất, năng lực toàn diện. Trong đó, đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là đối tượng quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Nhà trường.
Để tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, Trường Sĩ quan Pháo binh tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 369-NQ/ĐU ngày 22/3/2023 của Đảng ủy Binh chủng Pháo binh về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới…, tích cực đổi mới chương trình đào tạo cho đối tượng sĩ quan chỉ huy phân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chuyển mạnh từ quá trình giáo dục, đào tạo từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo dựa trên khung trình độ quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Binh chủng Pháo binh hiện đại, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của khoa học công nghệ và nghệ thuật quân sự, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và thành tựu khoa học công nghệ vào dạy học; quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vị, chuyên gia đầu ngành; xây dựng khung năng lực cho học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội trình độ đại học theo chuẩn đầu ra dựa trên các tiêu chí: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống - kiến thức, năng lực chuyên môn - khả năng tự học, tự nghiên cứu - hoạt động thực tiễn quân sự, chính trị - xã hội; đẩy mạnh hiện đại hóa trang bị, cơ sở vật chất và bảo đảm các điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ đào tạo.
Những việc làm trên là hành động thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tich Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và góp phần thực hiện Di chúc của Người trong công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Đại tá, TS Phạm Văn Tuấn
Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Pháo binh