Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, dùng ngòi bút của mình làm vũ khí sắc bén để đấu tranh cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc… của con người, mà còn quy tụ, cổ vũ văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng sáng tạo và cống hiến tri thức, tinh thần cho Tổ quốc và Nhân dân.
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh tư liệu
Điểm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn được UNESCO vinh danh chính là Người dành cả cuộc đời làm cách mạng không chỉ để giải phóng con người khỏi đọa đày đau khổ, áp bức, bất công, mà cao quý hơn chính là để giải phóng mỗi người, mỗi dân tộc thoát khỏi nền văn hoá nô dịch; đồng thời, đem ánh sáng của văn hoá, ánh sáng của cách mạng đến với các tầng lớp Nhân dân cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ để họ được là chính mình, góp sức vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa
Thấm nhuần triết lý “dùng văn hoá đánh giặc” của cha ông ta trong lịch sử và khẳng định rằng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng văn hoá (bài báo, tác phẩm, bài phát biểu…) để không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, cổ vũ tinh thần đấu tranh, nổi dậy của mỗi người dân Việt Nam yêu nước để chống lại sự áp bức, bất công của chế độ thực dân, mà còn cùng Đảng Cộng sản đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn và lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân kiên trì đấu tranh để giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Dành cả cuộc đời mình để phấn đấu cho một nước Việt Nam được hòa bình, độc lập, tự do; Nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại cần lao được giải phóng hoàn toàn, được sống trong ấm no, hạnh phúc, trước tác (bài viết, tác phẩm, bài phát biểu…) như Yêu sách của Nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxay; các bài viết đăng trên Thư tín quốc tế, Đời sống công nhân, Nhân đạo, Người cùng khổ,v.v.. hay các tác phẩm Chủng tộc da đen, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh, Ba mươi bài ca Việt Minh, Lịch sử nước ta, Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn độc lập, Sửa đổi lối làm việc, Thường thức chính trị, Đạo đức cách mạng, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Di chúc đến các bài thơ Mừng Xuân, Thơ chúc Tết… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hiển hiện một sự giao lưu, tiếp biến và vượt gộp giữa văn hoá phương Đông và phương Tây; giữa những sáng tạo văn hoá và những hoạt động văn hoá. Gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của Nhân dân, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống…, những điểm đặc sắc đó cùng trí tuệ uyên bác, lối sống chuẩn mực, phong cách ứng xử đạt đến tầm nghệ thuật của Người đã cho thấy cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ tỏa sáng quan niệm nhân sinh, chủ nghĩa nhân văn cao cả mà còn kết tinh những tư tưởng, tình cảm và ước mơ của nhân loại. Bởi vậy, từ Hồ Chí Minh, mỗi người từng có dịp được gặp đều thấy một “một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại và một niềm tin chung thuỷ đối với bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc và quốc gia, kể cả dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy, Người được yêu mến, khâm phục và kính trọng trên toàn thế giới”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, Người còn là một người chiến sĩ văn hoá, một nhà văn hoá kiệt xuất. Không chỉ khẳng định nhất quán: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, trước hết là công, nông, binh”[2], Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh Đảng và Nhà nước rất quý trọng đội ngũ văn nghệ sĩ; đồng thời quan tâm, cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Với vị thế một nguyên thủ quốc gia, Người không chỉ nêu rõ “văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, mà còn nhấn mạnh “tính Đảng” của lĩnh vực này khi khẳng định: “Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết”[3]. Đặc biệt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có vai trò quan trọng, thì công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vai trò của họ càng quan trọng hơn.
Vì “xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy. Văn nghệ của dân tộc ta vốn rất phong phú, nhưng dưới chế độ thực dân và phong kiến, Nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được”[4], cho nên, văn hóa phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị - tức là tham gia vào các hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, đội ngũ văn nghệ sĩ không chỉ luôn phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, mà còn phải thường xuyên bồi dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, “thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp” và sử dụng những tri thức có được để sáng tạo ra những tác phẩm/những giá trị văn hoá phản ánh hiện thực cuộc sống (trên mọi lĩnh vực lao động sản xuất, học tập, chiến đấu…) của Nhân dân; đồng thời hưởng thụ một cách đúng đắn những giá trị văn hoá của xã hội. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng ngòi bút của mình để phò chính trừ tà - những sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ không chỉ mang đến cho quần chúng Nhân dân một đời sống tinh thần phong phú, mà còn góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Người trân trọng và cổ vũ văn nghệ sĩ góp sức cho sự nghiệp cách mạng
Suốt cuộc đời mình, với trí tuệ, sức hấp dẫn kỳ diệu và sự cảm hoá đặc biệt của một Nhà văn hoá lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lôi cuốn, mà còn quy tụ xung quanh mình đông đảo các văn nghệ sĩ ở trong nước và ở nước ngoài. Một Hồ Chí Minh “cao mà không xa, sáng mà không chói” luôn lấy cái tình, cái tâm của một nghệ sĩ lớn ứng xử với những người nghệ sĩ đã không chỉ làm “rạo rực lòng người”, làm xúc động bao trái tim của kẻ sĩ, mà còn khiến mỗi người đều cảm thấy “gặp lần đầu mà ngỡ như đã gặp từ lâu”.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng viết: “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là lần đầu tiên tôi được gặp Bác, Bác không làm tôi ngạc nhiên tí nào”[5]. Trong con mắt của họa sĩ Đỗ Cung, một cụ Chủ tịch Chính phủ mặc bộ quần áo nâu giản dị, ngồi làm việc trong Bắc Bộ Phủ đẹp như một bức tranh huyền hoặc. Bức tranh ấy, khiến những người có dịp chứng kiến cảm thấy Người “như ở đâu hiện đến và lúc nào cũng có thể lại ra khỏi cảnh ấy”, thực khác thường, thực giản dị và thanh tao. Sự cảm phục, trân trọng của ông Hoàng Đạo Thuý với Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sâu sắc, đó chính là vì, được gặp Người ông cảm thấy được nhân lên nguồn sức mạnh nội lực và sẵn lòng đi theo Người để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân chỉ giản dị là vì “Cụ đã thấy nỗi lòng của một anh đồ nho cũ” và lời động viên, thăm hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp ông “cảm thấy cắt được một quả tạ ở dưới chân”[6].
Nhà thơ Thanh Hải được lớn lên trong cuộc chiến đấu thần kỳ của Nhân dân miền Nam, được đem khả năng của mình để phục vụ cách mạng đã cảm thấy lòng mình ấm hơn, sáng hơn khi được “Bác săn sóc, được Bác phê bình”. Còn đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa, người từng có vinh dự lớn khi được gặp, làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu năm 1950 nhớ mãi những lời Người dặn. Đó là “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cho nên “nếu cứu được nước thì dù với bao nhiêu cay đắng cũng phải chịu”. Nhà báo Lê Ái Mỹ với niềm cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh - “người viết báo lỗi lạc số một từ trước tới nay” mỗi lần suy ngẫm về cách viết lại thấm thía về những lời phát biểu của Người tại Đại hội những người viết báo lần thứ hai và tự nhủ “thật chết cho cái bệnh sính chữ nghĩa”, v.v..
Cũng giống như các văn nghệ sĩ trong nước, những văn nghệ sĩ nước ngoài từng một lần được gặp Hồ Chí Minh, cũng đều cảm thấy từ Người sự cảm hoá, cảm thông diệu kỳ. Mỗi người đều cảm thấy Hồ Chí Minh “gần mình, thuộc về mình”, rất đỗi thân thương, bình dị lạ thường… Nghệ sĩ điêu khắc người Đức, Henrích Đrắcke đã viết lên những dòng cảm nghĩ của mình khi được gặp Hồ Chí Minh: Tất cả những gì thuộc về Hồ Chí Minh “đều toát ra vẻ hiền từ, độ lượng, bao dung, một vị cha già rất thân yêu, bình dị và hấp dẫn”. Còn Ecvin Boocsơ, người đã từng chiến đấu 25 năm trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam có tên Việt là Chiến sĩ cứ ấn tượng mãi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tươi cười gặp ông và hỏi: Đồng chí Chiến sĩ, cơm có ngon không? Ông từng viết “Câu hỏi rất giản dị, mới nghe tưởng bình thường, nhưng chứa đựng cả một ý nghĩa rất sâu xa”. Trong khi đó, nhà báo Úc, Bớcsét hơn một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lịch sử sẽ dành cho Người vinh dự của một lãnh tụ vĩ đại mà thế kỷ XX đã sinh ra”. Và Rơnê Đờ Pêtơrơ, nhà thơ CuBa nổi tiếng viết rằng, “những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của thời đại chúng ta”[7].
Nhà thơ Nga Rút Bersatxki trong một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm nhận rằng, chuyện trò với Người thật thoải mái, thân thiết “như thể anh đã quen biết Người suốt đời rồi”, và không quên những lời Người nói: Văn hoá của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó “mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”. Nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô khi được gặp lại Hồ Chí Minh đã viết thật ấn tượng rằng: Sự có mặt phi thường của Người, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hoà nhã của Người đối với khách; cách làm, cách nói, cách sử dụng ngôn ngữ của Người “làm cho người ta thấy rằng tất cả mọi tình huống dù là đen tối nhất, Người đã phân biệt rõ cái gì là tích cực, cái gì hướng về cuộc sống tương lai”. Erích Giôhansơn, hoạ sĩ người Thuỵ Điển đã gặp Hồ Chí Minh khi Người đến thăm Triển lãm nghệ thuật Đức, năm 1924, đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh và ký hoạ này được in trong tạp chí Nghệ thuật tạo hình của Đức. Trả lời phỏng vấn, hoạ sĩ nhớ lời nói của Hồ Chí Minh: mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật. Theo hoạ sĩ, Hồ Chí Minh là “một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người rất uyên bác”, vv…
Đọc thơ Tố Hữu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ bài thơ đầu tiên “Hồ Chí Minh” cho đến trường ca “Theo chân Bác”), ai cũng có thể cảm nhận được tấm lòng của người nghệ sĩ lắng sâu trong từng ngôn ngữ, hình ảnh thơ, như nói hộ lòng mình với vị lãnh tụ kính yêu. Có một sự thật là khi viết bài “Hồ Chí Minh”, Tố Hữu chưa được gặp Người và chừng mấy mươi ngày sau khi viết bài thơ này, ông mới được diện kiến Bác. Tuy nhiên, chỉ một lần gặp gỡ, đôi điều trò chuyện… cũng đã đủ cho nhà thơ nhớ suốt một đời và luôn viết về Người trong niềm tôn kính, say mê. Tấm lòng, tình cảm của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đối với Picátxô trong thư mừng sinh nhật họa sĩ 80 tuổi (8/1961): “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với Hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân. Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ, rất quen thuộc đối với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của Nhân dân các dân tộc”[8] - thật khó diễn tả được bằng lời…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một Nhà văn lớn, một nhà thơ tinh tế viết bằng nhiều thứ tiếng, với ngôn ngữ súc tích, mẫu mực, mà Người còn có trái tim bao la như vũ trụ, có lòng yêu thương vô hạn đối với con người; hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, bất công. Vì thế, các văn nghệ sĩ dù là người Việt Nam hay là người nước ngoài cũng đều nhận được từ trí tuệ và trái tim của Người tình yêu thương, sự trân trọng, đồng cảm và sự sẻ chia của tình thân, niềm tin, lòng quý mến, trách nhiệm, vinh dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, dùng ngòi bút của mình làm vũ khí sắc bén để đấu tranh cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc… của con người, mà còn quy tụ, cổ vũ văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng sáng tạo và cống hiến tri thức, tinh thần cho Tổ quốc và Nhân dân. Là Người đã dùng văn hóa để chở chí lớn - vì nước, vì dân, vì nhân loại cần lao, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ tiêu biểu cho tư duy của thời đại mới, hiện thân của nền văn hóa mới, mẫu mực của con người mới xã hội chủ nghĩa, mà còn tỏa sáng con đường chúng ta đi, nâng bước mỗi người dân Việt Nam cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ trên những chặng đường cách mạng./.
---------------------------
[1] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.41
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.231
[5] Lữ Huy Nguyên: Bác Hồ với văn nghệ sỹ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.25
[6] Lữ Huy Nguyên: Bác Hồ với văn nghệ sỹ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.139
[7] Lữ Huy Nguyên: Bác Hồ với văn nghệ sỹ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.414
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.186
Văn Thị Thanh Mai; Ths. Dương Thị Bích
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)